MÔ HÌNH DẠY HỌC GẮN VỚI LAO ĐỘNG SẢN XUẤT TRONG NHÀ TRƯỜNG Ở TRƯỜNG TIỂU HỌC NHÃ NAM
MÔ HÌNH DẠY HỌC GẮN VỚI LAO ĐỘNG SẢN XUẤT TRONG NHÀ TRƯỜNG Ở TRƯỜNG TIỂU HỌC NHÃ NAM
Căn cứ vào hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học của Phòng GD&ĐT Bắc Giang về triển khai các mô hình giáo dục trong nhà trường đối với cấp tiểu học, Trường tiểu học Nhã Nam đã tổ chức hiện mô hình “Giáo dục nhà trường gắn liền với hoạt động lao động và sản xuất”.
Với mục đích: Học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn, nhà trường xây dựng mô hình giáo dục gắn với lao động sản xuất để tạo điều kiện cho học sinh vận dụng kiến thức, kĩ năng từ những bài học trên lớp áp dụng vào thực tiễn đời sống, lao động sản xuất, thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, góp phần đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, tổ chức tốt các hoạt động giáo dục, hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong nhà trường.
Thực hiện mô hình giáo dục này, nhà trường đã triển khai tới giáo viên và học sinh nhiều hoạt động: lao động vệ sinh lớp học, trường học, chăm sóc các công trình măng non( các bồn hoa, chậu hoa), lao động vệ sinh các khu di tích lịch sử, đường làng ngõ xóm, khu phố,tham gia các công việc giúp đỡ bố mẹ tại gia đình (nấu cơm, rửa bát, quét nhà, gập quần áo,…) …
Đặc biệt, các em được thường xuyên tham gia trồng và chăm sóc rau hoa tại vườn trường.
Học sinh làm đất, chuẩn bị trồng rau
Xuất phát từ điều kiện thực tế học sinh đa số là con em gia đình thuần nông, nhà trường chọn tổ chức mô hình trồng, chăm sóc cây rau hoa cho các khối lớp. Những khu đất trống xung quanh các phòng học vốn ngổn ngang đất đá, cỏ dại được san lấp, cải tạo phân chia cho các khối lớp trồng nhiều loại cây rau hoa khác nhau. Học sinh còn trồng và chăm sóc cây tại hành lang, góc thiên nhiên của lớp mình.
Những ngày đầu tiên, những luống rau hoa hạt giống gieo chưa đều, luống rau còn chưa thẳng, mặt luống vẫn còn gồ ghề. Đâu đó có cô bé, cậu bé khi mới ra vườn rau còn chưa phân biệt được đâu là cỏ dại, đâu là mầm cây mới mọc, còn đặt những câu hỏi ngô nghê đáng yêu với cô giáo “Cô ơi cây này có phải cỏ không cô?”. Có lúc, có cô bé hét lên khi bị bạn lấy sâu trêu chọc, …. Song dưới sự hướng dẫn, chỉ bảo tận tình của các thầy cô, các bậc phụ huynh nay các em đã học được những kiến thức thú vị về các công đoạn gieo trồng, chăm sóc cây rau, hoa.
Giáo viên hướng dẫn học sinh nhổ cỏ cho vườn rau, hoa.
Sau những buổi ngoại khóa chăm sóc vườn rau ấy, trên trán các em lấm tấm mồ hôi, quần áo, tay chân có thể lấm lem bùn đất. Nhưng nụ cười luôn thường trực trên môi của các em, tiếng nói cười hồn nhiên luôn rộn rã. Để từ đây, dưới mái trường, các em không chỉ học được những kiến thức trong chương trình giáo dục phổ thông mà các em còn học được những kiến thức xã hội bổ ích và thu được những thành quả ngọt ngào.
Thu hoạch đỗ
Vườn rau xanh tốt nhờ công chăm sóc của các bạn học sinh
Mô hình “Giáo dục nhà trường gắn liền với hoạt động lao động và sản xuất” đã tạo ra môi trường học tập thân thiện. Ngoài việc xây dựng khung cảnh nhà trường khang trang, sạch đẹp, khai thác được tiềm năng, thế mạnh về đất đai, khuôn viên, bảo vệ môi trường sống, môi trường học tập còn giúp các em phát huy tính sáng tạo, đưa ra ý tưởng về xây dựng vườn trường phục vụ cho học tập của mình. Giúp các em hiểu được giá trị của lao động, chia sẻ với những khó nhọc của bà con nông dân hay chính là cảm thông và sẻ chia với những vất vả của bố mẹ, ông bà những người xung quanh. Thông qua đó tạo không khí học tập thoải mái, phát huy được tính sáng tạo, tích cực của học sinh, gắn những lý thuyết đã học với thực tiễn lao động, sản xuất, giúp học sinh phát triển toàn diện, nâng cao kiến thức về thực tế và rèn kỹ năng sống bổ ích cho học sinh.
CTV: Giáo viên Nguyễn Thị Hương